Cắt giảm khoản chi tiêu nào cho Tết khi lương giảm mạnh?
So với cùng thời điểm năm ngoái, tiền lương của Mai Hạnh (23 tuổi, nhân viên văn phòng) đã giảm 3 lần. Mùa Tết Quý Mão 2023, Mai Hạnh đã có tổng tiền thưởng tháng thứ 13 và tiền lương là 40 triệu đồng, nên cô nàng từng chi khá mạnh tay cho các khoản biếu bố mẹ, mua sắm đồ tiêu dùng cá nhân trong những ngày cuối năm.
Được biết, cô nàng đã chi khoảng 22 triệu đồng về quê ăn Tết năm ngoái, tương đương 1 tháng lương. Nhưng năm nay con số này có thể giảm xuống còn khoảng 11 triệu đồng. Khi tính toán chi tiêu, Mai Hạnh sẽ cắt giảm chi tiêu cho bản thân, sau đó là tiền dành cho gia đình.
“Đầu tiên, mình sẽ cắt giảm tiền chơi trong ngày Tết là khoảng 4 triệu đồng, gồm tiền đi thăm thầy cô, tiền ăn uống khi đi hội. Mình cũng cắt giảm tiền mua vé máy bay khứ hồi vì giờ đã chuyển công tác về gần nhà, đồng thời không biếu bố mẹ tiền mua sắm đồ đạc nữa. Tiền lì xì giảm từ 8 triệu đồng xuống còn 6 triệu đồng. Số tiền cần chi còn lại là khoảng 1 triệu đồng dùng để mua quần áo mới; 4 triệu đồng để mua đồ đạc trang trí nhà cửa, đào quất… ".
Ảnh minh hoạ
Tương tự Mai Hạnh, Linh Chi (25 tuổi, Hải Dương) cũng “đau đầu" nghĩ cách chi tiêu Tết khi năm nay tiền tiết kiệm bị giảm do công việc thiếu ổn định, lương giảm. Những năm trước, cô nàng thường chi tổng cộng 7-10 triệu đồng, gồm tiền mua quần áo mới, tiền mua bánh kẹo cho gia đình, tiền tân trang bản thân (làm nail, làm tóc), lì xì cho người thân…
Tuy nhiên, sang năm nay Linh Chi dự tính số tiền cần chi cho Tết Nguyên đán sẽ giảm khoảng 2-3 triệu đồng. “Nếu mua quần áo, mình dự tính sẽ chọn loại trang phục có thể mặc ngày thường, từ đó tiết kiệm được tiền cho sau này. Thêm vào đó, chỉ riêng so với năm ngoái, năm nay mình sẽ bớt được 2,5 triệu đồng đi làm tóc và làm nail vì thấy bản thân không cần chi tiền cho những thứ không thực sự có ý nghĩa. Lì xì cho người thân sẽ cắt giảm thêm 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, có một khoản tiền gia tăng là bên cạnh mua bánh kẹo, mình tính mua thêm một số thực phẩm chế biến sẵn và đồ nhúng lẩu để ngày Tết mình có thể ăn uống cùng gia đình. Nhờ đó, mình sẽ hạn chế ra ngoài tiệc tùng vào ngày Tết, tiết kiệm tiền ăn uống và cafe với bạn bè", Linh Chi chia sẻ.
Bên cạnh đó, Minh Phượng (26 tuổi, Hà Nội) cũng cho biết cô cần “liệu cơm gắp mắm" để có một mùa Tết đầy đủ và phụ giúp thêm gia đình sau 1 năm gặp nhiều biến cố trong công việc. Cô nàng từng thất nghiệp trong suốt 7 tháng nên khoản tiết kiệm bằng 4 tháng tiền lương ở công ty cũ cũng nhanh chóng hết sạch.
Trong Tết năm nay, cô nàng dự tính chi 15 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiền mua quà cho bố mẹ và mua sắm đồ dùng cho gia đình. Cô nàng cũng bày tỏ, dẫu biết Tết là quan trọng nhưng ngẫm lại đây chỉ 3-5 ngày đặc biệt trong năm. Do đó, bản thân không nên vung tiền quá trán mà không còn quỹ để dành cho các mục tiêu tài chính khác.
Ảnh minh hoạ
So với năm ngoái, cô nàng không dự tính đi làm tóc, làm móng, mua quần áo và mỹ phẩm.
“Bởi vì khi càng lớn, mình càng nhận ra bản thân không cần phải cố tỏ ra xinh đẹp trong những ngày Tết với họ hàng, bạn bè. Thay vào đó, mình muốn đến nhà người thân với tâm trạng thoải mái, tự cảm thấy vui bằng cách sum vầy bên gia đình thay vì ‘flex' mình đạt được thành tựu nào hay có vẻ ngoài ra sao", Minh Phượng giải thích.
Có lo lắng chi tiêu Tết khi tiền lương giảm mạnh?
Với Minh Phượng, cô nàng không quá lo lắng vì đang trong tình trạng độc thân, không mang áp lực phải sắm sửa cho gia đình. Tuy nhiên, cô cho rằng tâm lý này chắc chắn sẽ thay đổi nếu như bản thân đã kết hôn và có con cái.
“Với gia đình và bản thân mình, có sao tiêu vậy là nguyên tắc tài chính đã duy trì từ lâu. Vả lại, mình thấy mức chi tiêu khoảng 15 triệu đồng cho ngày Tết là không quá cao, song cũng không thấp. Trong trường hợp gần ngày Tết chính thức, mình có nhu cầu mua sắm nhiều hơn thì sẽ quẹt thẻ tín dụng, sau đó hết Tết thì trả sau cũng được”, Minh Phượng nói.
Trong khi đó, Mai Hạnh cho biết cô nàng từng khá đau đầu khi phải cân đo đong đếm các khoản tiền cần tiêu dùng trong những ngày cuối năm. Tuy nhiên, cô cho rằng mình vẫn ổn vì đã có nguồn thu nhập thụ động và khoản tiết kiệm lớn.
Trái ngược với Minh Phương và Mai Hạnh, Linh Chi cho hay đã chuẩn bị lên kế hoạch mua sắm đồ cụ thể, bớt chi tiêu cá nhân từ bây giờ để không bị động khi một mùa Tết nữa lại về.
“Mình thấy mừng vì bản thân chưa có gia đình nên việc chi tiêu, sắm Tết cũng thoải mái hơn. Tết khi tiền lương giảm thì cần cắt giảm mức sống xuống một chút.
Đối với việc mua sắm, mình ưu tiên những mặt hàng giảm giá. Cuối năm, những mặt hàng như trang phục có thể dễ dàng mua với mức giá tốt trên website của nhãn hay sàn thương mại điện tử. Còn các món hàng gia dụng hay bánh kẹo thì mua tại siêu thị sẽ có giá phải chăng hơn. Tiền mua thực phẩm cho những ngày Tết cũng là khoản chi lớn nhất của mình đến hiện tại", Linh Chi đưa ra lời khuyên.
Theo Phụ nữ Việt Nam Copy link